Trình tự thủ tục đầu tư


TRÌNH TỰ THỦ TỤC ĐẦU TƯ DỰ ÁN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

 

Bước 1.Thông tin về quy hoạch hoặc giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng.

1. Thông tin quy hoạch

(1) Nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư trên địa bàn tỉnh đến Bộ phận Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công Tỉnh để được hướng dẫn (hoặc có văn bản đề nghị hướng dẫn), giới thiệu các quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất được duyệt, danh mục dự án thu hút, kêu gọi đầu tư hàng năm của Tỉnh và các nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

(2) Đối với các khu vực đã có quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 được duyệt: Nhà đầu tư chuyển sang tìm hiểu Bước 3 (Lựa chọn nhà đầu tư).

2. Giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng

Đối với các khu vực chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt hoặc đã có quy hoạch xây dựng, đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu…) nhưng cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn yêu cầu phát triển: giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng để nghiên cứu lập quy hoạch, báo cáo UBND tỉnh xem xét chấp thuận.

2.1. Thành phần hồ sơ

-  Tờ trình của Nhà đầu tư đề nghị giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng (theo mẫu tham khảo tại Bộ phận IPA Quảng Ninh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh), trong đó cam kết tài trợ kinh phí nghiên cứu quy hoạch chi tiết xây dựng dự án.

- Thuyết minh sơ bộ ý tưởng lập quy hoạch (theo mẫu tham khảo tại Bộ phận IPA Quảng Ninh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh) gồm các nội dung chính: Thông tin đơn vị đề xuất; vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng khu đất nghiên cứu quy hoạch; Sự phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất; mục tiêu, các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch, các yêu cầu khai thác sử dụng đất, phương án bố trí hạng mục, công trình và kết nối hạ tầng giao thông, kỹ thuật dự kiến...; tính toán quy mô sử dụng đất, quy mô đầu tư trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn và yêu cầu thực tế, tiến độ lập quy hoạch; dự kiến tổng mức đầu tư dự án, nội dung sơ bộ về đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội và tác động môi trường khi triển khai dự án.

- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Sơ đồ địa điểm vị trí khu vực nghiên cứu do tổ chức, cá nhân lập thể hiện trên khổ giấy A3, sơ đồ thể hiện trên nền bản đồ hiện trạng hoặc trích từ bản đồ quy hoạch được duyệt 1/2.000 hoặc 1/5.000, gồm sơ bộ ranh giới dự án, tọa độ của khu vực nghiên cứu quy hoạch trên hệ tọa độ VN-2000 (theo mẫu tham khảo tại Bộ phận IPA Quảng Ninh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh)).

- Hồ sơ năng lực: Năng lực kinh nghiệm về lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến hoạt động đầu tư dự án đề xuất; Năng lực tài chính để nghiên cứu triển khai đầu tư dự án (báo cáo tài chính 02 năm gần nhất nếu có, các tài liệu, văn bản khác minh chứng năng lực tài chính); Báo cáo tình hình quan hệ tín dụng của Nhà đầu tư với các tổ chức, cá nhân tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án.

* Số lượng hồ sơ: 06 bộ (trong đó 02 bộ gốc, riêng Sơ đồ địa điểm 06 bộ gốc) + 01 thẻ nhớ USB ghi toàn bộ nội dung, thành phần hồ sơ. Khuyến khích cung cấp thêm 02 bộ dự phòng để sử dụng trong trường hợp phát sinh khi cần xin thêm ý kiến của các cơ quan có liên quan.

2.2. Thời gian giải quyết: 09 ngày làm việc (trừ những dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, cần báo cáo nhiều cấp có thẩm quyền).

2.3. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ:

- Bộ phận của IPA Quảng Ninh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

- Bộ phận của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

2.4. Đơn vị thẩm định:

- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh: Đối với các dự án nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh: Đối với các dự án nằm trong khu kinh tế, khu công nghiệp (trừ Khu Kinh tế Vân Đồn).

Bước 2. Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng.

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị.

Trên cơ sở địa điểm đã được tỉnh thống nhất, giới thiệu, Đơn vị được giao nghiên cứu lập quy hoạch phối hợp cùng Đơn vị tài trợ để nghiên cứu, lập và trình duyệt Nhiệm vụ quy hoạch, đồ án Quy hoạch chi tiết tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng, quy hoạch, quy hoạch đô thị.

2. Trình tự lập quy hoạch: Theo Điều 20 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018); Điều 7 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

3. Cơ quan thẩm định:

- Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cùng cấp.

- Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND cấp huyện thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cùng cấp.

4. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết

Tuân thủ theo thẩm quyền tại Điều 34 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng); Điều 41 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 (Sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 29 Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch) và các Văn bản Hợp nhất Luật liên quan.

- Các khu vực ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế: UBND cấp huyện (không bao gồm các khu vực quy hoạch chi tiết có thẩm quyền phê duyệt bởi UBND tỉnh như: Các khu vực trong đô thị có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai quận, huyện trở lên, khu vực có ý nghĩa quan trọng, khu vực trong đô thị mới trừ các quy hoạch có thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ...); Quá trình phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND tỉnh.

- Khu vực trong Khu kinh tế, khu công nghiệp: Ban Quản lý Khu kinh tế.

Bước 3. Lựa chọn nhà đầu tư, cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

1. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án:

Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:

a) Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

c) Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020.

2. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại điểm a và điểm b tại khoản 1 Điều 29 của Luật Đầu tư năm 2020 được thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.

3. Trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao;

d) Trường hợp khác không thuộc diện đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Bước 4. Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.

1. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

a. Đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM) theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 và khoản 1 Điều 12 Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính Phủ được sửa đổi, bổ sung tại điểm 3 Mục I ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường. Danh mục này gồm 107 Dự án phải đánh giá tác động môi trường.

b. Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 và Khoản 2 Điều 14 Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính Phủ được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều I Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường.

2. Thành phần hồ sơ

- Thành phần hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM theo quy định tại Khoản 8 Điều 14 Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính Phủ được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều I Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường.

- Đối với thời hạn hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của cơ quan thẩm định và hồ sơ đề nghị phê duyệt theo quy định tại Khoản 10 Điều 14 Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính Phủ được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều I Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường.

3. Trách nhiệm và thời hạn giải quyết

a. Trình tự giải quyết:

- Chủ dự án nộp hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của UBND Tỉnh và nhận Phiếu hẹn tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công Tỉnh hoặc được hướng dẫn bổ sung hồ sơ (nếu hồ sơ chưa hợp lệ).

- Chủ dự án thực hiện nộp phí thẩm định báo cáo ĐTM trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh theo thông báo.

b. Thời gian giải quyết: Từ 25-27 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

4. Thầm quyền tổ chức thẩm định

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc đơn vị được UBND tỉnh ủy quyền) tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn của mình (các dự án thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư của tỉnh), trừ các dự án thuộc thẩm quyền của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Bước 5. Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; thẩm định thiết kế cơ sở.

1. Lập dự án đầu tư xây dựng

Căn cứ văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và quy hoạch chi tiết được phê duyệt, Nhà đầu tư tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng. Nội dung dự án đầu tư xây dựng phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dự án, phù hợp quy định tại Điều 54 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14.

2. Thiết kế cơ sở

Thiết kế cơ sở được lập để đạt được mục tiêu của dự án, phù hợp với công trình xây dựng thuộc dự án, bảo đảm sự đồng bộ giữa các công trình khi đưa vào khai thác, sử dụng. Thiết kế cơ sở gồm thuyết minh và các bản vẽ thể hiện các nội dung sau:

+ Vị trí xây dựng, hướng tuyến công trình, danh mục và quy mô, loại, cấp công trình thuộc tổng mặt bằng xây dựng;

+ Phương án công nghệ, kỹ thuật và thiết bị được lựa chọn (nếu có);

+ Giải pháp về kiến trúc, mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng công trình, các kích thước, kết cấu chính của công trình xây dựng;

+ Giải pháp về xây dựng, vật liệu chủ yếu được sử dụng, ước tính chi phí xây dựng cho từng công trình;

+ Phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài công trình, giải pháp phòng, chống cháy, nổ;

+ Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng và kết quả khảo sát xây dựng để lập thiết kế cơ sở.

3.Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng

Áp dụng đối với dự án quy mô lớn quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng được quy định tại Phụ lục X ban hành kèm Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ.

- Thành phần hồ sơ trình thẩm định: Chi tiết xem theo hướng dẫn về thành phần hồ sơ các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực công trình xây dựng chuyên ngành đã được UBND tỉnh Quảng Ninh công bố.

- Địa điểm nhận hồ sơ: Bộ phận tiếp nhận của các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Trung tâm Phục vụ Hành chính công Tỉnh.

- Quy trình, thời hạn giải quyết hồ sơ: Chủ đầu tư nộp hồ sơ và nhận Phiếu hẹn tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công Tỉnh (nếu hồ sơ hợp lệ) hoặc được hướng dẫn bổ sung hồ sơ (nếu hồ sơ chưa hợp lệ)

- Thời gian thẩm định:

+ Thiết kế cơ sở dự án nhóm B: Không quá 10 ngày làm việc.

+ Thiết kế cơ sở dự án nhóm C: Không quá 8 ngày làm việc.

(Việc phân loại dự án đầu tư xây dựng nhóm A, nhóm B, nhóm C theo các tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công).

4. Phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng

Thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ.

5. Thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng

Áp dụng đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công có quy mô từ nhóm B trở lên, dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng và công trình thuộc dự án sử dụng vốn khác có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng được xây dựng tại khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

- Thẩm quyền thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở: Thực hiện theo Điều 36 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ và quy định hiện hành của UBND tỉnh.

- Thành phần hồ sơ trình thẩm định thiết kế, dự toán triển khai sau thiết kế cơ sở: Chi tiết xem theo hướng dẫn về thành phần hồ sơ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Xây dựng đã được UBND tỉnh Quảng Ninh công bố.

- Trình tự và thời hạn giải quyết hồ sơ:

+ Chủ đầu tư nộp hồ sơ và nhận Phiếu hẹn tại Trung tâm phục vụ Hành chính công Tỉnh (nếu hồ sơ hợp lệ) hoặc được hướng dẫn bổ sung hồ sơ (nếu hồ sơ chưa hợp lệ).

+ Thời gian thẩm định: Không quá 13 ngày làm việc.

6. Cấp giấy phép xây dựng

6.1. Những công trình phải có giấy phép xây dựng và được miễn giấy phép xây dựng:

- Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định tại Luật Xây dựng, trừ các trường hợp dưới đây.

- Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng quy định tại khoản 30 Điều 1 tại Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

6.2. Quy định về cấp giấy phép xây dựng công trình:

- Việc cấp giấy phép xây dựng thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 và Chương IV Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ và quy định về cấp giấy phép xây dựng hiện hành của UBND tỉnh Quảng Ninh.

- Thời gian cấp phép xây dựng tối đa không quá 08 ngày làm việc.

Bước 6. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

1. Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất:

- Nhà đầu tư lập hồ sơ theo quy định nộp tại Bộ phận Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm phục vụ hành chính công Tỉnh. Đối với trường hợp phải thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng thì phải thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hồi đất.

- Thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo nội dung thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND Tỉnh Quảng Ninh công bố có hiệu lực hiện hành.

2. Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất:

Thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

3. Trình tự và thời gian giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:

Trình tự và thời gian giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo bộ thủ tục hành chính do UBND tỉnh quy định.

4. Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

- Trình tự, thủ tục về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Thời gian giải phóng mặt bằng tính từ ngày có thông báo thu hồi đất đến ngày UBND cấp huyện có văn bản xác nhận hoàn thành công tác GPMB để làm thủ thục giao đất, cho thuê đất:

+ Đối với dự án thu hồi chỉ có đất nông nghiệp: Thời gian không quá 09 tháng.

+ Đối với dự án có thu hồi vào đất phi nông nghiệp: Thời gian không quá 12 tháng; trường hợp phải bố trí tái định cư thì thời gian không quá 18 tháng.

- Nhà đầu tư căn cứ vào tiến độ thực hiện dự án, thời gian thực hiện dự án theo quyết định chấp thuận đầu tư dự án, phối hợp với UBND cấp huyện nơi có đất bị thu hồi lập kế hoạch tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng.

Bước 7. Lập, thẩm định về thiết kế bản vẽ thi công; dự toán (nếu có); cấp giấy phép xây dựng; quản lý chất lượng công trình xây dựng, phòng cháy chữa cháy...