8 tháng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 18,1 tỷ USD
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục có xu hướng tăng cả về vốn đăng ký mới và vốn thực hiện, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam tăng lên.
Sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc).
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/8/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18,1 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ.
Đáng lưu ý, vốn đầu tư đăng ký mới và hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ xu hướng tăng. Riêng vốn đầu tư điều chỉnh giảm mạnh so cùng kỳ mặc dù số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng lên.
Cụ thể, trong tổng giá trị vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng năm 2023, có 1.924 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với vốn đăng ký đầu tư mới đạt hơn 8,8 tỷ USD, tăng 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 22,8% về số lượt dự án điều chỉnh và giảm 39,7% về số vốn. Tuy vẫn giảm nhưng mức giảm về vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện hơn so với các tháng đầu năm.
Về hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 2.268 lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị hơn 4,4 tỷ USD, giảm 6,5% về số lượt giao dịch và tăng 62,8% về số vốn.
Về vốn thực hiện, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so cùng kỳ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 14,7% so cùng kỳ.
Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 47,2%. Tiếp theo là ngành tài chính - ngân hàng thu hút 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,7 lần).
Về đối tác đầu tư, 8 tháng năm 2023 đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15,4% so cùng kỳ 2022.
Với mức tăng 90,8% về vốn đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng giá trị đầu tư gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Theo nhandan.vn
Bài viết cùng chuyên mục
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với các đối tác UAE tại thành phố Hà Nội
- Tiếp tục xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư từ Nhật Bản
- Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các tập đoàn công nghiệp, dầu khí, công nghệ hàng đầu Ấn Độ
- Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Ấn Độ
- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra công tác khắc phục hậu quả tai nạn hầm lò tại Công ty Than Hòn Gai
- Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xã giao Chủ nhiệm Ủy ban Môi trường Hạ viện Nhật Bản
- “Mỗi tấm bản đồ, một trái tim Việt Nam”
- Nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải trên biển
- Quyết tâm lập kỷ lục mới trong thu hút FDI
- Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng