Tin tức


Cơ hội lớn cho kinh tế khu vực

17/09/2021
 
Hàng hóa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khi AEC được hình
thành Ảnh: Cấn Dũng
 
 
 
Dự kiến sau ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN sẽ được thiết lập trên nền tảng 10 quốc gia Đông Nam Á, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lộ trình tiến tới một khu vực phát triển thịnh vượng.

 
 

 

 

 

 

 

Sự tham gia tích cực của Việt Nam

Ý tưởng về việc xây dựng và hình thành Cộng đồng ASEAN được bắt đầu tại kỳ họp cấp cao ASEAN năm 2009, ngay lập tức đã nhận được sự tán đồng của các thành viên về nội dung cũng như thời hạn hoàn tất. Bộ Công Thương là đơn vị được giao chủ trì, tham gia phụ trách, điều phối hoạt động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Báo cáo gần đây nhất của Ban Thư ký ASEAN về tỷ lệ thực hiện các biện pháp trong Lộ trình xây dựng AEC cho thấy: ASEAN đã thực hiện được 91,5% biện pháp ưu tiên có tác động lớn đối với thương mại và đầu tư. Việt Nam - một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ thực hiện, đạt 94,5%.

Cụ thể, theo Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Việt Nam đã hoàn thành giảm thuế nhập khẩu xuống mức 0-5% đối với 97% biểu thuế, trong đó khoảng 90% số dòng thuế ở mức 0%. Đến năm 2018, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 97% biểu thuế; xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng trứng gia cầm, đường, muối.

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, Việt Nam cùng các nước ASEAN hoàn tất Gói cam kết thứ 9 và đang tích cực xây dựng Gói cam kết thứ 10. Dù nội dung Gói 10 đặt yêu cầu cam kết mở cửa khá cao, Việt Nam vẫn thể hiện sự nỗ lực, tích cực giải quyết vướng mắc để sớm hoàn thành vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, Việt Nam cùng 6 nước ASEAN gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan triển khai cơ chế một cửa quốc gia và đang tham gia dự án thí điểm triển khai cơ chế một cửa ASEAN ở một số hạng mục.

Những lợi ích to lớn

Sau khi hình thành, AEC cơ bản sẽ trở thành một thị trường chung với hơn 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP gần 3.000 tỷ đô la Mỹ/năm; hình thành không gian sản xuất thống nhất, giúp phát huy lợi thế chung của khu vực. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào giữa các quốc gia thành viên.

Chia sẻ về cơ hội AEC mang lại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, sau khi AEC hình thành, việc không còn rào cản thuế quan, hay thuế suất bằng 0% là lợi ích to lớn nhất, kích thích xuất khẩu, thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên. Tuy nhiên, nếu rào cản thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn và mang lại lợi ích kinh tế lớn thì quy tắc xuất xứ lại nổi lên như một rào cản mới đối với doanh nghiệp. Để được hưởng ưu đãi trên, hàng hóa các nước trong khối ASEAN phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ từ các nước này, theo tỷ lệ được quy định cụ thể đối với từng mặt hàng. Đây chính là sức ép đối với doanh nghiệp.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, AEC sẽ không phải là cú sốc quá lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam bởi cộng đồng kinh tế chính là sự kế thừa cơ chế của khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) trước đó.

AEC sẽ đem lại nhiều cơ hội và lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, đặc biệt là cho doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp ASEAN nói chung.
 
baocongthuong.com.vn